Làm mới quạt truyền thống
Theo ông Trần Thạch Quang, Giám đốc marketing Công ty quạt Asia (TPHCM), quạt truyền thống (các loại quạt bàn, quạt cây, quạt treo chạy cơ thông thường) rất mau bám bụi.
Vì vậy, trước khi sử dụng, các gia đình nên tháo rời cánh quạt, lồng quạt làm vệ sinh bằng xà phòng và nước sạch, lau khô bằng vải mềm. Lưu ý trong quá trình vệ sinh không để nước nhỏ vào phần linh kiện điện tử hay động cơ bên trong quạt, dễ gây chập cháy. Với mô tơ nên chấm 2 – 3 giọt dầu máy may vào bạc quạt, quay nhẹ cốt để dầu thấm vào (lưu ý không để dầu rớt vào cuộn dây mô tơ).
Ông Nguyễn Văn Yên, chủ cửa hàng sửa chữa quạt trên phố Châu Long, Hà Nội cho biết, sau khi mở lồng sắt để lau sạch bụi bẩn và vết ố trên cánh quạt, người tiêu dùng nên mở nắp bánh răng ở mặt sau ra kiểm tra xem dầu bôi trơn và bánh răng còn hoàn hảo hay không để còn tra dầu mỡ. Sau đó mở nắp trước (hoặc nắp sau) có gắn đệm trục, lau sạch 2 đầu trục, tra dầu máy vào đó.
Nhớ kiểm tra kỹ dây điện, phích cắm, bộ phận biến áp xem có bị chuột cắn làm rò điện không. Sau đó cắm điện chạy thử khoảng 10 phút, nếu thấy chạy êm là được. Với quạt trần, trước tiên là kiểm tra trục, nếu thấy lỏng thì siết sửa ngay để tránh bị rơi xuống sàn. Sau đó tra dầu vào động cơ, lau sạch bụi bẩn trên cánh.
Vệ sinh quạt hiện đại
So với quạt cơ thông thường, quạt hiện đại gồm: Quạt hơi nước, quạt xạc – quạt tích điện, quạt điều khiển từ xa… khó bảo dưỡng hơn nhiều do mỗi loại có một đặc tính riêng. Quạt hơi nước dễ chập điện, quạt tích điện dễ hỏng ắc qui, quạt tháp có nhiều ốc vít bảo vệ nên lắp đặt không đúng sẽ làm hỏng quạt… Tuy nhiên, cũng chính vì những đặc tính này mà người tiêu dùng nên nhìn vào yếu điểm của từng loại để “bắt” đúng bệnh.
Với các loại quạt hơi nước, ông Dương Chiêu (Công ty Quạt Việt Nam) khuyến cáo trước khi sử dụng cần kiểm tra hộc nước đúng mức quy định, tránh làm đổ nước, gây chập mạch điện. Không mở nắp bộ tích lạnh, tránh tối đa việc dung dịch bên trong bị đổ hoặc hao hụt gây mất tác dụng cung cấp độ lạnh, làm hỏng quạt. Trước khi dùng nên để chạy không có nước từ 1-2 giờ rồi hãy đổ nước vào để tránh mùi ẩm mốc.
Với quạt hơi nước dùng pin xạc khi đi du lịch, nên sạc thường xuyên để pin không bị chai do loại này ngốn pin rất nhanh. Ngoài ra, nên lau rửa định kỳ lưới lọc chắn bụi phía sau quạt, màn thấm nước, hộc đựng nước, xả đáy, tránh nghẹt các bộ phận bên trong quạt (nhất là đường ống bơm nước) để tránh quạt thổi ra mùi tanh cũng như không để nước bị nhiễm khuẩn.
Với các loại quạt có điều khiển, nếu công tắc quạt hỏng, ngắt mở không dứt khoát nên dùng nước vệ sinh quạt (như WD40) xịt vào sẽ loại được các chất bẩn. Sau đó ấn nhả các phím công tắc nhiều lần để làm sạch bụi, gỉ đồng bám trên các mặt vít tiếp điện. Ngoài ra, bộ hẹn giờ lâu không dùng cũng có thể khiến mặt vít tiếp điện bị gỉ. Lúc này, chỉ cần xoay vài lần để hai mặt vít tiếp xúc nhau sẽ tiếp điện trở lại.
Trong quá trình vệ sinh quạt tháp, do loại quạt này có rất nhiều ốc vít nên khi tháo lắp cần xếp các bộ phận thành hàng. Lưu ý khi lắp quạt, cái gì tháo trước thì lắp sau, cái gì tháo ra sau thì lắp trước. Dùng chổi quét sơn hoặc máy nén khí và nước lau sạch bụi bẩn, tra dầu mỡ vào trục quạt.
Với quạt hộp dễ bị bám bụi vào cánh, tán gió, thân nhựa, ông Nguyễn Văn Yên hướng dẫn vệ sinh và bảo dưỡng bằng cách dùng khóa tán gió vặn ngược chiều kim đồng hồ khoảng 30 độ để lấy ra. Sau đó mới tháo lồng, dùng tô vít vặn các vít bắt lồng sau và thân quạt, tháo cánh bằng dụng cụ chuyên nghiệp là khóa 13. Vệ sinh cánh, tán gió, lồng sau bằng xà phòng và nước sạch sau đó lau khô bằng vải mềm. Thân quạt cũng lau bằng vải mềm. Nên nhỏ 2 – 3 giọt dầu máy vào mô tơ, dùng tay xoay để dầu thấm vào bạc rồi lắp các bộ phận của quạt. Và vì loại quạt này khó tự bảo dưỡng, tháo lắp, nên ông Nguyễn Văn Yên khuyên người dùng nếu trong quá trình tháo lắp gặp khó khăn thì nên đem tới thợ để tránh tình trạng “cố đấm ăn xôi” sẽ làm hỏng thiết bị.